“Làm dịch vụ có gì vui không?”, “học ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống xong liệu có dễ xin việc?”, “Cơ hội phát triển có rộng mở không?” đó không chỉ là những câu hỏi được sinh viên “Nhà Dứa” đặt ra trong buổi workshop gần đây mà cũng chính là những băn khoăn chung của rất nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Hãy cùng nhà Dứa và anh Cang Lâm – Quản lý cụm khu nghỉ dưỡng Maia Resort Quy Nhơn & The Ocean Resort Quy Nhơn tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây.
Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là gì?
Ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống là một lĩnh vực đào tạo chuyên sâu, tập trung vào việc quản lý và vận hành hiệu quả các hoạt động trong nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quán ăn, và các loại hình dịch vụ ẩm thực khác. Đây là ngành học kết hợp giữa kiến thức quản trị, kỹ năng tổ chức và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa ẩm thực, tâm lý khách hàng cũng như tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế.Anh Cang Lâm về trường Cao đẳng Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm làm việc
Dịch vụ không chỉ là nghề mà còn là nghệ thuật.
Ngành Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống không chỉ đơn thuần là một công việc “phục vụ” khách hàng. Đây là nghề của sự tinh tế, của kỹ năng giao tiếp đỉnh cao và khả năng xử lý tình huống linh hoạt. Người làm dịch vụ không chỉ phục vụ bằng tay, mà còn phải phục vụ bằng trái tim.
Trong buổi workshop, anh Cang Lâm đã có những chia sẻ vô cùng chân thực và gần gũi về hành trình hơn 10 năm gắn bó với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Đó là một chặng đường không ít chông gai đối với anh, từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề với vị trí nhân viên tiền sảnh, đến khi trở thành quản lý cụm khu nghỉ dưỡng cao cấp như Maia Resort và The Ocean Resort Quy Nhơn.
Anh kể rằng khi mới bắt đầu mọi thứ đều mới mẻ và áp lực. Từ những công việc nhỏ nhặt nhất anh đều phải ghi nhớ để ứng xử khéo léo với khách hàng cho đến việc giữ nụ cười dù bản thân mệt mỏi. Ngành quản trị khách sạn và dịch vụ ăn uống luôn đòi hỏi sự chỉnh chu, chuyên nghiệp và linh hoạt đã giúp anh rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh qua từng ngày. Mỗi lần va chạm với khó khăn, thay vì bỏ cuộc anh chọn cách học hỏi từ chính những lỗi sai và trưởng thành hơn sau mỗi thử thách.

Sinh viên trường Cao đẳng Sài Gòn hiểu sâu hơn về ngành ngay tại lớp học
Anh Cang Lâm nhấn mạnh rằng điều giúp anh trụ lại và phát triển trong nghề không phải là xuất phát điểm tốt hay cơ hội thuận lợi, mà chính là thái độ luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi và biết lắng nghe. Đặc biệt, anh luôn tâm niệm rằng “nghề dịch vụ là nghề của cảm xúc”. Muốn người khác cảm thấy được trân trọng, bản thân người phục vụ phải thật lòng và tử tế từ những điều nhỏ nhất.
Không chỉ dừng lại ở việc kể lại quá trình làm nghề, anh còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu như cách xử lý tình huống khó, nghệ thuật quản lý con người trong môi trường áp lực cao, cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong ngành dịch vụ. Những câu chuyện tưởng như đời thường, nhưng qua lời kể mộc mạc và chân thành, lại trở thành những bài học đắt giá cho các bạn sinh viên đang chuẩn bị bước vào thế giới nghề nghiệp thực tế.
Học ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống xong ra làm gì?
Một trong những điều khiến nhiều sinh viên tò mò nhất khi tìm hiểu về ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống chính là câu hỏi: “Học ngành này xong thì sẽ làm gì?”. Thực tế ngành này không chỉ gói gọn trong vai trò lễ tân hay phục vụ bàn. Đây là lĩnh vực đào tạo toàn diện, cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản lý nhân sự, marketing dịch vụ, tổ chức sự kiện, vận hành nhà hàng – khách sạn, kiểm soát chất lượng dịch vụ, tài chính cũng như nghệ thuật chăm sóc khách hàng trong môi trường chuyên nghiệp.

Các bạn sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như: khách sạn, resort, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, tàu du lịch, sân bay, hoặc thậm chí là tự khởi nghiệp bằng cách mở nhà hàng – quán café của riêng mình. Tùy theo định hướng và năng lực phát triển của các bạn hoàn toàn có cơ hội đảm nhận những vị trí quan trọng như: Quản lý khách sạn hoặc sự kiện, trưởng hoặc phó quản lý bộ phận, giám sát bộ phận khách sạn, giám sát nhà hàng tiêu chuẩn 3-5 sao, quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú, chuyên viên chăm sóc khách hàng, nhân sự khách sạn, hoặc thậm chí là Giám đốc điều hành tại các khách sạn trong và ngoài nước.
Tại Cao đẳng Sài Gòn, sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được đào tạo theo mô hình “học thật và làm thật”, nhà trường chú trọng đến phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua các giờ thực hành, kiến tập, workshop chuyên đề và các buổi giao lưu doanh nghiệp ngay từ năm học đầu tiên. Môi trường học tập hiện đại, thân thiện và thực tiễn giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, xây dựng tư duy làm nghề và trở nên tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh. Đây không chỉ là một ngành học, mà còn là hành trình định hình tư duy dịch vụ chuyên nghiệp và phát triển bản thân toàn diện để sẵn sàng chinh phục bất kỳ vị trí nào trong ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng này.
Mức lương ngành Quản trị khách sạn và dịch vụ ăn uống?
Chuyện lương luôn là chủ đề “nóng” mà các bạn sinh viên luôn quan tâm nhiều nhất và buổi workshop lần này cũng không ngoại lệ. Nhưng điều thú vị là thay vì đưa ra những con số cụ thể, anh Cang Lâm nhấn mạnh rằng mức lương trong ngành dịch vụ luôn không cố định nó còn phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm, vị trí và cả thái độ làm việc của từng người.
Ngành này thường có mức lương khởi điểm tương đối ổn định. Tuy nhiên giá trị thật sự nằm ở tốc độ thăng tiến. Nếu bạn luôn cố gắng chăm chỉ chủ động học hỏi và thể hiện tinh thần cầu tiến thì cơ hội để tăng lương hoặc thăng chức là hoàn toàn khả thi. Đặc biệt khi làm việc tại các tập đoàn khách sạn quốc tế còn giúp bạn tiếp cận nhanh môi trường làm việc chuyên nghiệp, bạn có thể “xuất ngoại” và học hỏi từ các nền văn hóa khác nhau. Thêm một điều khiến nhiều sinh viên bất ngờ là có những vị trí làm việc không cần quá nhiều bằng cấp, nhưng lại rất cần thái độ và khả năng phục vụ xuất sắc.
Qua buổi workshop với sự chia sẻ của anh Cang lâm giúp chúng mình nhận ra rằng, để theo đuổi ngành này không nhất thiết phải giỏi toán lý hóa, mà quan trọng hơn là cái tâm và sự chân thành. Sự chuyên nghiệp không nằm ở danh xưng, mà nằm trong từng hành động nhỏ, từng nụ cười, từng cử chỉ ân cần.