Một trong những điều chỉnh quan trọng trong tuyển sinh đại học năm nay là Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển. Điều này đồng nghĩa việc, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.
Sự điều chỉnh này được dự báo sẽ khiến phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT “hút” thí sinh hơn. Vì vậy, thí sinh cần phải biết chọn lựa và nắm bắt cơ hội trúng tuyển ngay từ lần đầu tiên cho mình.
Giảm số nguyện vọng trúng tuyển
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, Bộ GD&ĐT cho biết; tất cả các phương thức xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học dự kiến đều được đưa lên hệ thống lọc ảo chung, chứ không chỉ lọc ảo riêng phương thức xét tốt nghiệp THPT. Do đó, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường đại học ở nguyện vọng cao nhất với một phương thức xét tuyển duy nhất, không còn tình trạng 1 thí sinh đỗ vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước.
Theo Th.s Trần Thúy Trâm Quyên- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), việc điều chỉnh quy chế này sẽ có tác động không nhỏ tới việc đăng ký nguyện vọng và khả năng trúng tuyển của thí sinh.
Ví dụ thí sinh X đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đại học A bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường đại học B bằng phương thức xét học bạ, nguyện vọng 3 vào trường C bằng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học bạ THPT và nguyện vọng 4 vào trường D bằng điểm thi đánh giá năng lực. Sau khi hệ thống tiến hành lọc ảo, thí sinh A chỉ đủ điều kiện trúng tuyển nguyện vọng 2 vào trường đại học B. Thậm chí, có thể không trúng bất cứ nguyện vọng nào.
“Điều này khác biệt rõ ràng với những năm trước đây khi thí sinh A có thể trúng tuyển cả 4 phương thức vào 4 trường đại học. Với cách thức xét tuyển năm nay, các trường sẽ ưu tiên chốt lại trong đợt đầu tiên để ngay sau đó ổn định công tác dạy và học. Vì thế, nếu trượt đợt 1, nguy cơ không có trường học là rất cao”- Th.s Quyên phân tích.
Tới thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2022 cũng như cách thức cụ thể trong lọc ảo, tuy nhiên, theo Th.s Trâm Quyên thí sinh vẫn có thể chủ động nắm chắc cơ hội xét tuyển của mình.
“Chúng ta còn cần phải đợi phương án chính thức của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên các em rằng để tăng cơ hội trúng tuyển năm nay, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các phương thức xét tuyển, đặc biệt phương thức xét học bạ THPT khi kết quả đã sẵn chứ không cần đợi điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi đã chọn được ngành, trường học và đáp ứng đủ tiêu chuẩn trúng tuyển thì nên “chốt sớm” để tránh tuột mất cơ hội”- Th.s Quyên nói.
Chỉ tiêu xét học bạ THPT tại các trường rất nhiều
Với sự chủ động và đa dạng trong phương thức xét tuyển, vài năm trở lại đây tỉ lệ chỉ tiêu các trường dành cho phương thức xét học bạ THPT là khá lớn. Nhiều trường dành tới 40-50% cho phương thức xét tuyển này, thậm chí với nhiều trường ngoài công lập phương thức này được dành tới 60% tổng chỉ tiêu.
Hiện mùa tuyển sinh 2022-2023 mới chỉ bước vao giai đoạn đầu nhưng rất nhiều trường đại học trong và ngoài công lập đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT năm 2022 từ đầu tháng 3.
Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa tổng kết 1 tháng nhận hồ sơ xét bằng học bạ, trường đã nhận được 28.000 nguyện vọng của khoảng 10.000 thí sinh đăng ký. Trung bình mỗi ngày có gần 1.000 nguyện vọng, trong đó, ngành Công nghệ thông tin và Logistics vẫn hot nhất.
Tương tự tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mỗi ngày cũng có hàng ngàn Thí sinh đến tham quan và nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Việt Thái- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông HIU cho biết: từ ngày 1/3, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 cho 47 ngành học thuộc 6 khoa bộ môn với 3 phương thức tính điểm học bạ.
Nhóm ngành nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh vẫn là ngành mũi nhọn của trường gồm: nhóm ngành sức khỏe như Y, Răng Hàm Mặt, Dược đã nhận được hàng ngàn hồ sơ. Ngoài ra các khối ngành khác cũng nhận được nhiều quan tâm của các thí sinh như Quản trị kinh doanh, Digital Marketing, Quan hệ công chúng, Tài chính Ngân hàng…
“Thống kê sơ bộ sau 1 tháng thực hiện mở cổng xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT, sự quan tâm của thí sinh ở phương thức này tăng một cách rõ rệt so với năm trước. Nguyên nhân có thể đến từ tâm lý mong muốn sớm “đặt” một chỗ vào giảng đường đại học của học sinh, phần do sự điều chỉnh trong phương thức lọc ảo của Bộ GD&ĐT cũng khiến thí sinh băn khoăn.
Thực tế, thí sinh hiện đã khá quen với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, nhiều em khi đã xác định được ngành học yêu thích, trường học yêu thích các em sẽ nắm bắt cơ hội cho mình ngay chứ không chờ đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi thực tế, chất lượng đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất và cả mức học phí các trường hiện không còn quá chênh lệch.”- ông Nguyễn Việt Thái nói.
Ông Nguyễn Việt Thái cho biết thêm; Ngoài phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng còn nhận hồ sơ với 5 phương thức khác là Phương thức đánh giá năng lực HIU; Xét tuyển kết quả kỳ thi SAT; Xét tuyển thẳng; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022.
Đặc biệt, để hỗ trợ, giải quyết vấn đề tài chính, những khó khăn cho sinh viên có mong muốn học tập tại HIU, năm học 2022 -2023, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dành ra Quỹ học bổng lên tới 36 tỉ đồng để tìm kiếm các nhân tài trở thành sinh viên của trường, với đa dạng các suất học bổng dành cho nhiều thí sinh có thành tích và tài năng nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Với hơn 25 năm phát triển sự nghiệp giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tạo ra môi trường chuẩn quốc tế, giúp thế hệ trẻ hòa nhập, thích ứng và cạnh tranh tốt với năm châu. Ngoài đào tạo kiến thức chuyên môn, trường chú trọng vào ứng dụng và thực hành.
Chính vì vậy, HIU đã ký hết hợp tác toàn diện với hàng loạt doanh nghiệp tập đoàn lớn và uy tín trong và ngoài nước nhằm tạo cơ hội cho các em sinh viên được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp uy tín; đồng thời tạo ra dữ liệu ngân hàng việc làm cho sinh viên sau khi ra trường”- ông Thái chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo Dục Thời Đại
Chưa có bình luận nào.