LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ MỤC TIÊU
Tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng (Ton Duc Thang University: TDTU) là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng quản trị do Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố đương nhiệm làm Chủ tịch.
Mục tiêu thành lập TDTU trong giai đoạn đầu là: thực hiện Chương trình 17/TU và Chỉ thị 13 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân Thành phố; phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hoá – hiện đại hoá; góp phần đào tạo nhân tài, nhân lực, thực hiện nghiên cứu để phục vụ hệ thống sản xuất, xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, để TDTU có pháp nhân phù hợp bản chất thực (là đại học công; phi lợi nhuận; hoàn toàn không có yếu tố tư nhân); ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân và đổi tên TDTU thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sau 5 năm rưỡi là đại học dân lập hoạt động với mục tiêu đào tạo nhân lực, chuyên gia theo mô hình đại học công nghệ-kỹ thuật ứng dụng; bằng quyết định này, TDTU trở thành đại học khoa học ứng dụng đa ngành và không còn pháp nhân dân lập.
Sự phát triển của TDTU tiếp tục nhanh. Để phù hợp nhu cầu mới, Ngày 11/6/2008, nghĩa là xấp xỉ 5 năm rưỡi kế tiếp theo pháp nhân bán công, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa ra Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Trong thời gian này, mục tiêu của Trường được bổ sung thêm là trực tiếp phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực trong công nhân, người lao động để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị Lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa 10.
Đúng 7 năm sau; Ngày 29/01/2015 tại Quyết định số 158/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017; mục tiêu của Đại học Tôn Đức Thắng được xác định rằng: “Đại học Tôn Đức Thắng chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) để phát triển Trường đại học Tôn Đức Thắng thành một đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường”.
Như vậy, trong 22 năm qua, sự phát triển nhanh của TDTU đã đòi hỏi sự điều chỉnh mục tiêu và pháp nhân của Nhà trường nhiều lần. Đến ngày nay, TDTU là đại học công lập, có Tầm nhìn: trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới; và Mục tiêu trung hạn là: “Trong 20 năm kế tiếp (kể từ 2017), TDTU có nhiệm vụ trở thành đại học nghiên cứu thuộc TOP 60 đại học tốt nhất Châu Á; cũng như là một trong TOP 500 đại học tốt nhất thế giới”.
Martin Luther từng nói: “Khi trường học phát triển, mọi thứ đều phát triển theo”. TDTU sẽ là đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới để phụng sự tốt nhất cho đất nước, nhân dân Việt Nam; cũng như sự phát triển ổn định, bền vững và hòa bình của nhân loại ■
SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
Vì sự khai sáng cho nhân loại
SỨ MẠNG
Giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo để phát triển nhân loại bền vững
TẦM NHÌN
Vì sự phát triển con người và một thế giới hòa bình, hạnh phúc
CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG
- Liên tục tuyển lựa kỹ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn, giảng viên, viên chức trung thành, có trình độ khoa học cao, chuyên nghiệp và trách nhiệm.
- Phát triển ngày càng nhanh, chất lượng; và tập trung phát triển bền vững hoạt động giáo dục, khoa học-công nghệ; xây dựng tinh thần phụng sự; thói quen làm việc theo qui trình, thủ tục ISO trong các lĩnh vực; cam kết bảo đảm công tác kiểm định khách quan để tiêu chuẩn hóa tất cả đầu ra của TDTU.
- Đầu tư lâu dài và liên tục về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học bảo đảm sự hiện đại và liên tục cập nhật trong suốt thời kỳ 2007-2037 và sau đó; bảo đảm trang bị – thiết bị ngày càng đầy đủ, chuyên sâu và kịp thời cho việc thực hiện các mục tiêu chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu từng giai đoạn phát triển.
- Truyền thông về TDTU trong nước và quốc tế; liên tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đại học TOP 500 của Thế giới, TOP 60 của Châu Á để liên kết nghiên cứu, giáo dục; học tập kinh nghiệm quản lý hiện đại; tiếp cận những gì mới nhất về học thuật và thực tiễn; thực hiện chuyển giao công nghệ và khoa học; nâng chất lượng hoạt động của TDTU nhanh chóng lên chuẩn quốc tế về mọi phương diện. Chương trình và văn bằng các chương trình giáo dục đại học, sau đại học của TDTU được kiểm định, và công nhận bởi các Tổ chức quốc tế.
Mục tiêu
Là đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới
Văn hóa
Chất lượng và sự tin cậy
Nguyên tắc ứng xử
Công bằng, Hiệu quả, Phụng sự
Slogan
Từ nơi đây, ánh sáng sẽ chiếu đến khắp nơi trong vũ trụ
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Sứ mạng và mục tiêu của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là kim chỉ nam cho các chiến lược và kế hoạch phát triển từng giai đoạn mà TDTU đã và đang xây dựng cho 3 thập niên tới
Đại học Tôn Đức Thắng có trách nhiệm phát triển con người; phụng sự đất nước Việt Nam; giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; trong đó, có sự chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân – lao động; thực hiện nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học ngày càng hiệu quả để thúc đẩy đất nước phát triển trong dài hạn; cam kết cống hiến ngày càng nhiều và tốt hơn cho một Việt Nam phồn vinh, ổn định và bền vững; cũng như góp phần tạo dựng một thế giới văn minh và hòa bình.
I. Mục tiêu dài hạn
Đại học Tôn Đức Thắng là một đại học nghiên cứu trong vòng ba thập niên tới, song song với việc giữ vai trò đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phục vụ nhu cầu cung ứng nhân lực chất lượng cao cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, chính sách cơ bản của TDTU là:
- Liên tục tuyển lựa kỹ và đào tạo lực lượng chuyên môn; xây dựng đội ngũ khoa học có trình độ cao, chuyên nghiệp và trách nhiệm;
- Phát triển liên tục, bền vững hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, quản trị giáo dục; thói quen làm việc theo ISO trong các lĩnh vực; thực hiện kiểm định khách quan để tiêu chuẩn hóa tất cả đầu ra;
- Đầu tư lâu dài và liên tục cho cơ sở vật chất trong ba thập niên; bảo đảm trang bị, thiết bị ngày càng đầy đủ, chuyên sâu và kịp thời cho việc thực hiện các mục tiêu chất lượng trong giáo dục và khoa học – công nghệ từng giai đoạn;
- Truyền thông về TDTU trong nước và quốc tế; mở rộng số lượng chuyên gia và du học sinh nước ngoài; TDTU trở thành đầu mối quốc tế hóa của khu vực;
- Tiếp tục mở rộng hợp tác với các đại học TOP 500 của thế giới; tạo nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý hiện đại, tiếp cận nền học thuật tiên tiến và phương thức giáo dục tối ưu; bảo đảm chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Chương trình giáo dục và văn bằng của TDTU được kiểm định và công nhận bởi các Tổ chức quốc tế.
II. Mục tiêu trước mắt: từ 2014 đến 2019
TDTU phấn đấu thực hiện thành công 6 (sáu) nội dung:
1- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng mức cao hơn các công việc đã làm xong trong Kế hoạch phát triển 2008-2013; phát huy những nền tảng cơ bản đã đạt được về mọi mặt, tập trung phát triển giáo dục và khoa học – công nghệ.
2- Mở rộng qui mô đào tạo Sau đại học tất cả các ngành. Kết thúc Kế hoạch 05 năm lần thứ 02 (2019) tỷ lệ đào tạo sau đại học dưới tất cả các hình thức không dưới 10% qui mô đại học.
3- Thành lập các viện nghiên cứu mũi nhọn trong những lĩnh vực mà đất nước đang thiếu, những lĩnh vực có lợi thế công bố quốc tế. Trong giai đoạn 05 năm lần 02 phải thành lập mới tối thiểu 04 viện nghiên cứu; bổ sung và hình thành tối thiểu 02 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
4- Quốc tế hóa TDTU toàn diện:
- Hợp tác đào tạo sau đại học hình thức sandwich với các đại học TOP 700+;
- Hợp tác nghiên cứu với chuyên gia nước ngoài làm Trưởng nhóm;
- Tổ chức hội thảo quốc tế định kỳ;
- Mời giáo sư, chuyên gia nước ngoài về làm việc ở tất cả các Khoa;
- Phát triển 03 tạp chí quốc tế trong các lĩnh vực chủ đạo;
- Mở rộng liên kết đào tạo đại học;
- Tăng số lượng sinh viên nước ngoài;
- Trao đổi sinh viên quốc tế thường niên;
- Thực hiện thành công kiểm định chương trình và kiểm định trường học bởi AUN và HCERES;
- Liên tục gia tăng công bố quốc tế và giữ vị trí số 1 đất nước trong giai đoạn này;
- Truyền thông sâu rộng về TDTU, nâng tầm uy tín và sự nhận dạng trong nước, quốc tế.
5- Liên tục mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ tiến sĩ tối thiểu đạt 60% tổng nhân lực chuyên môn; đội ngũ viên chức hết lòng với công việc, tận tụy và yêu mến Nhà trường.
6- Hoàn thành giai đoạn 01 và bắt đầu cho giai đoạn 02 việc xây dựng TDTU thành đại học nghiên cứu TOP 500 thế giới vào 2037.
SỐ LIỆU TỔNG QUAN
- Số cơ sở: 6
- Tổng diện tích đất: 108.1 ha
- Tổng số sinh viên: 22,567
- Tổng số học viên sau đại học: 1,225
- Tổng số giảng viên, viên chức: 1,343
- Số khoa: 17
- Số ngành đại học: 40
- Số ngành thạc sĩ: 18
- Số ngành tiến sĩ: 26
- Số nhóm nghiên cứu: 64
- Số bằng sáng chế: 7
- Số bài báo ISI/Scopus: 4,843
- Số giáo sư, chuyên gia nước ngoài đang hợp tác, làm việc với Trường: 203
- Số sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi văn hóa tại Trường: 3,939
- Số trường đại học quốc tế có ký kết hợp tác với Trường: 147
Tin từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Chưa có bình luận nào.