Cuốn sách vẫn luôn được coi là một người thầy tận tâm, người bạn đáng trân trọng trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Hiểu rõ điều này, nhiều thế hệ người Việt đã tích cực đọc sách để nâng cao kiến thức và nuôi dưỡng tinh thần.
Để mang những tác phẩm xuất sắc đến với độc giả, không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng từ các nhà xuất bản. Tại các cơ sở đại học và cao đẳng, ngành Xuất bản đã được thêm vào chương trình học nhằm đào tạo những chuyên gia chuyên nghiệp cho lĩnh vực này.
Vậy ngành Xuất bản thực chất là gì? Trường học nào đào tạo chương trình này?
Hãy cùng Cùng Bạn Chọn Trường tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây, để có câu trả lời cho những thắc mắc trên.
Ngành xuất bản là ngành gì?
Ngành Xuất bản là hoạt động tổ chức nội dung, hình thức, in ấn và phổ biến các ý tưởng dưới dạng văn bản như sách, báo, tạp chí, hay hiện đại hơn là những cuốn sách điện tử ghi trong đĩa CD, trên mạng Internet để đông đảo công chúng có thể tiếp cận được.
Ý tưởng ở đây có thể là một tập thơ, một tập truyện ngắn, một bộ sách khoa học v.v… Nơi tổ chức thực hiện quy trình đó để xuất bản các ấn phẩm chính là nhà xuất bản, các công ty sách…
Chương trình đào tạo của ngành xuất bản như thế nào?
Ngành xuất bản hiện nay không phải chỉ riêng là học để phục vụ của công tác xuất bản sách, báo hay in ấn mà nó còn là tổng hợp của nhiều kiến thức đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chính vì vậy, không khó hiểu khi ngành xuất bản được nhiều người theo đuổi và coi là sự nghiệp của mình.
Việc đào tạo ngành này cũng được xem là một tất yếu với nhu cầu của ứng viên và thị trường ngày nay. Khi mà sách báo hay các ấn phẩm truyền thông đều trở thành “cơn khát” thông tin của công chúng thì rõ ràng, trách nhiệm của việc dạy học ngành này càng được nâng cao.
Những kỹ năng, kiến thức sau khi học ngành xuất bản rộng mở không?
Sinh viên học ngành Xuất bản được rèn luyện kỹ năng về chuyên môn, kỹ năng tổ chức bản thảo, biên tập bản thảo, kỹ năng thiết kế xuất bản phẩm truyền thông, biên tập ngôn ngữ văn bản… Bên cạnh đó, ngành Xuất bản còn đào tạo thêm những kỹ năng khác như:
- Sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại trong công tác biên tập xuất bản: máy tính, máy in, máy ảnh…
- Có năng lực tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học để phục vụ học tập và hoạt động thực tiễn về lĩnh vực xuất bản.
- Tham gia vào các hoạt động đoàn thể chính trị xã hội, công tác văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Các trường nào đào tạo ngành xuất bản?
Để bắt đầu theo đuổi ngành này, các bạn cần xác định cho mình khối thi cũng như các trường đại học cao đẳng hiện đang tổ chức giảng dạy chính quy ngành xuất bản. Nhìn chung hiện nay, để nói về đào tạo chính quy thì không có quá nhiều lựa chọn về các khoa và trường đại học.
Trên toàn quốc hiện nay chỉ có duy nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền là có riêng hẳn một ngành xuất bản và cấp bằng cử nhân Xuất bản sau khi tốt nghiệp.
Đối với chuyên ngành này tại Học viện Báo chí, các bạn sẽ phải học trong 4 năm và thực hiện thi đầu vào bằng kết quả thi quốc gia. Các khối dự thi ngành Xuất bản bao gồm: Khối A16 (Toán, Khoa Học Tự Nhiên, Ngữ Văn), C15 (Toán, Ngữ Văn, Khoa Học Xã Hội) và D17 (Toán, Địa Lý, Tiếng Nga).
Song có thể đáng mừng là hiện nay ở một số chuyên ngành liên quan khác cũng vẫn dạy kết hợp các môn học chung của ngành xuất bản, ví dụ như chuyên ngành xã hội học và chuyên ngành báo chí.
Cơ hội làm việc ngành xuất bản có rộng mở không?
Ngành xuất bản là một ngành nghề lúc nào cũng thiếu nhân lực trầm trọng. Tại sao lại nói như vậy? Lý do là đây là nghề làm dâu trăm họ, rất khô rất khổ.
Tuy làm việc trong nghề xuất bản bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người như: cộng tác viên, đối tác, tác giả, bạn đọc v.v…cho bạn nhiều cơ hội phát triển bản thân nhưng trước khi bạn nhận được những ưu điểm đó, bạn sẽ phải chịu đựng được áp lực của công việc xuất bản.
Nói riêng nghề biên tập viên sách, bạn sẽ phải hằng ngày đối mặt với hàng tác bản thảo đọc thật cẩn thận từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy thì mới soi ra được lỗi ở đâu để góp ý với tác giả sửa bản thảo sao cho hay hơn bản gốc.
Việc làm xuất bản này đòi hỏi bạn phải rất tỉ mỉ chịu khó. Nếu bạn chỉ đọc bản thảo như khi bạn đọc sách với tâm thế thoải mái thì bạn sẽ chẳng đời nào soi ra được lỗi gì đâu.
Những kỹ năng, kiến thức cần trau dồi khi học ngành xuất bản là gì?
- Khả năng phân tích, tổng hợp thông tin nhanh
- Luôn có ý tưởng mới
- Có khả năng giao tiếp tốt
- Luôn kiên trì, nhẫn nại, tỉ mỉ
- Có khả năng phát hiện và đánh giá vấn đề tốt
- Nhạy bén, sáng tạo trong công việc
- Có khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thành thạo.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu thêm về ngành Xuất bản và có lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân.
Thông tin:
Website: Cùng bạn chọn trường
Facebook: Cùng Bạn Chọn Trường
Chưa có bình luận nào.