Thế giới kinh doanh, thế giới nghề nghiệp đã thay đổi khủng khiếp trong những năm qua. Điều gì đang xảy ra trên thế giới? Cách chúng ta sẽ học, tiếp cận nghề nghiệp trong tương lai sẽ khác như thế nào? Chính là nội dung chính của buổi trò chuyện giữa Diễn giả – Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cùng sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) sáng ngày 22/10 tại Hội trường Beethoveen.
Xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, mái tóc đen dài truyền thống, nhưng từng cử chỉ, từng lời, từng câu, từng ý đều chứa đựng một nguồn năng lượng cháy bỏng của một người phụ nữ cá tính, luôn cập nhật công nghệ nhưng rất Người theo cái cách mà cô Nguyễn Phi Vân tự giới thiệu về mình.
Trong buổi trò chuyện vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ cùng sinh viên HIU, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã phát thảo bức tranh về sự thay đổi của thế giới dưới sự tác động, ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của công nghệ đến cách thế giới vận hành và cách con người giao tiếp.
Và câu hỏi đặt ra chính là “Chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ làm gì để có thể làm chủ, thay đổi công nghệ theo hướng tích cực để phục vụ xã hội con người? Làm gì để không trở thành Robot hạng hai”.
Bắt đầu bài nói của mình bằng một biểu đồ phân tích sự lấn sân của Robot vào thị trường lao động. Nếu như tỷ lệ phân công tính trên giờ lao động theo của con người và máy móc trong năm 2018 là 71 – 29 thì vào năm 2025 dự đoán con số này sẽ dịch chuyển sang 48 – 52. Không chỉ dừng lại ở phạm vi nhà máy, lao động phổ thông, Robot hiện đang dần lấn sân vào trong công việc văn phòng. Và trong tương lai không xa sẽ có đến 75 triệu công việc tự động hoá sẽ rơi vào tay robot.
“Nếu chúng ta không hiểu về công nghệ, chúng ta sẽ bị công nghệ dẫn dắt. Hiện nay trên thế giới số người thật sự am hiểu và có thể ứng dụng công nghệ để giúp sự nghiệp và cuộc sống của mình tốt hơn đâu đó chỉ ở mức 1%. Vậy thì 99% những người còn lại sẽ đi về đâu. Và nếu chúng ta không nhận thức, không thay đổi cách mà chúng ta tiếp cận với tương lai thì chúng ta sẽ không còn là công dân hạng nhất nữa, mà chúng ta sẽ trở thành robot hạng hai”.
Không thể phủ nhận một điều rằng công nghệ đang làm cho con người trở nên cực kỳ cô đơn. Tác hại của của công nghệ thấy rõ hơn hết là nó là bắt con người phải sống bề ngoài, phải show up, phải liên tục tạo ra những thứ đẹp đẻ, lung linh, hay ho, vui vẻ, thành tựu, thành công,… ở vẻ ngoài. Còn ở trong lòng thì mỗi người đang chết đi từng ngày.
Nhưng dù yêu hay là ghét thì cũng không thể phủ nhận việc con người không thể sống bên ngoài của sự phát triển. Con đường để bước đến tương lai, hội nhập kỷ nguyên mới không thể thiếu đi “dáng hình” của công nghệ.
Tất cả các nghề nghiệp trong tương lai mà chúng ta sẽ bước vào, tất cả sẽ đều có phần tham dự của công nghệ. Nghề đi ngược lại với nghề công nghệ đó là nghề hướng đến con người, làm sao giúp cho con người có trải nghiệm sống tốt hơn, bớt cô đơn hơn, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn cảm thấy được kết nối hơn. Nhưng nếu bạn chọn con đường đó thì bạn vẫn phải hiểu về công nghệ.
Dù bạn chọn nghề gì, bạn phải ngay lập tức tìm hiểu hiện nay các công nghệ ảnh hưởng đến nghề nghiệp đó là gì? Công nghệ đó nghĩa là gì, ứng dụng ra sao và cách chúng ta sử dụng nó như thế nào? Có như thế bạn mới hội nhập vào tương lai.
“Lựa chọn là của bạn? Bạn lựa chọn đi về phía trước với công nghệ Okay. Bạn lựa chọn lùi lại phía sau với nhân loại Ok. Nhưng tất cả đều phải học và hiểu về công nghệ”.
Khi nói về định hướng nghề nghiệp thời Robot, diễn giả Nguyễn Phi Vân thẳng thắn cho rằng hoàn toàn không có bất cứ bí kíp, bí mật hay một con đường tắt nào để tiến tới tương lai cả. Câu trả lời đơn giản chính là học và làm. Không ngừng đổi mới, dám bỏ đi những điều xưa cũ được học, tái thiết lại suy nghĩ, cách học và cách làm để có thể đứng vào đường đua cùng với Robot.
Để chúng ta vẫn là công dân hạng nhất thì bạn mới chính là người phải thay đổi trước. Chỉ có bạn thay đổi, chỉ có tư duy bạn thay đổi, chỉ có cách tiếp cận bạn thay đổi thì nhân loại mới thay đổi. Nếu ngày hôm nay bạn chỉ có ngồi học lý thuyết là hết phim.
“Học nghĩa là phải học liên tục, học cả đời và học đa kênh. Các bạn không được bước vào trường đại học và nghĩ rằng tôi đã phó thác sinh mệnh của mình cho trường đại học. Trường phải có trách nhiệm đào tạo tôi thành công dân toàn cầu. Chính các bạn phải tự mình tìm hiểu, tự mình chọn lựa và tự mình dấn thân để học tập. Thế kỷ 21, Trường Đại học chỉ là một kênh“.
Để thay đổi tư duy của các bạn, để chuyển tự trạng thái đóng sang trạng thái mở cho tư duy. Diễn giả khiến các bạn sinh viên phải sốc vì sự thay đổi đáng ngạc nhiên về công nghệ. Làm các bạn bất an, lo lắng để có cái nhìn đúng đắn và quyết tâm thay đổi.
“Chúng ta không thể đứng ở đây và nói những điều tệ bạc về công nghệ khi mà chúng ta không hiểu nó. Bạn muốn nói cái gì về nó bạn phải hiểu nó, phải sống với nó, phải sử dụng nó và bạn phải có khả năng thay đổi nó. Muốn làm được điều đó thứ nhất bạn phải rất Người, thứ hai là bạn phải cực giỏi. Bạn phải hiểu, bạn phải có kiến thức, bạn phải có kỹ năng, bạn phải dấn thân, bạn phải thực chiến thì bạn mới thay đổi được nó”.
Talkshow “Định hướng nghề nghiệp thời Robot” do Phòng Trải nghiệm sinh viên phối hợp cùng SaiGon Books tổ chức. Buổi trò chuyện thân mật đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến tham gia và đặt câu hỏi giao lưu cùng diễn giả Nguyễn Phi vân. Các bạn có thể xem lại toàn bộ buổi nói chuyện của chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân Tại Đây.
Chưa có bình luận nào.