Với mục đích chia sẻ những phương pháp trong bào chế dược liệu ngâm rượu và nét văn hoá rượu Việt, chương trình talkshow “Dược liệu ngâm rượu – Văn hoá rượu Việt” vào tối 9/1 do Trường Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng gồm: Tiến sĩ Thái Huy Phong – Chủ tịch tập đoàn Sức khỏe Việt, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín – Nhà thư pháp, Trưởng bộ môn Du lịch ĐH Tôn Đức Thắng, Thạc sĩ Nguyễn Cưng – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Du lịch TSES, Thạc sĩ – MC Nguyễn Hoàng Sa.
Dược liệu nói chung và dược liệu ngâm rượu nói riêng cần phải tuân thủ theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn quy định và được kiểm tra thường xuyên, kiểm định nghiêm ngặt từ việc thu hái, bảo quản cũng như khâu bào chế. Việc “Ngâm cho đúng, dùng cho hay” và sự kết hợp dược liệu lại là một bài toán khó trên nền tảng y học cổ truyền và khoa học dược ngày nay.
Theo diễn giả Thái Huy Phong thì “Loại dược liệu ngâm rượu nào chứa hoạt chất gì, hàm lượng bao nhiêu, thời gian ngâm như thế nào và quy trình thu hái cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dược liệu. Thu hái cái gì vào mùa nào, thời gian thu hái (buổi sáng, trưa, chiều, tối…) đều ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt chất có trong dược liệu. Tất cả những quy trình đó đòi hỏi những người làm trong lĩnh vực dược liệu phải nắm rõ để cho ra các sản phẩm chất lượng. Chẳng hạn sâm ngọc linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Các hợp chất hoá học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khoẻ của con người khiến sâm ngọc linh hiện nay được nhiều người tìm mua sử dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai tỉnh có loại sâm quý này là Kon Tum và Quảng Nam nên việc phân biệt đúng chất lượng của sâm ngọc linh cũng là một vấn đề cần chú ý bởi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều hàng hoá trôi nổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người…”.
Nói về văn hoá rượu Việt, nhà thư pháp – thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín cho biết: “Có thể nói rằng, văn hóa uống rượu của người Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống có từ lâu đời. Tuy nhiên, muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực, lấy niềm vui là chính để cho người Việt Nam có thể tự hào có một truyền thống uống rượu đậm đà bản sắc dân tộc”.
Mỗi một vùng miền lại có một văn hoá thưởng thức rượu mang một nét văn hoá đặc trung riêng. “Nếu miền Bắc mọi người thường rót rượu ra ly, sau đó uống và phải uống lượng rượu bằng nhau. Còn tại miền Nam, mọi người thường uống rượu bằng bát và thường thì rượu sẽ được để chung trong một chiếc chum. Bên cạnh đó, mọi người thường không uống như ở miền Bắc, họ có thể uống tuy theo tửu lượng của bản thân. Ngoài ra, ở một số vùng miền khác, những người dân thường có văn hóa uống rượu cần, rượu được để trong chum, sau đó, mọi người dùng cần để hút rượu” – Thạc sĩ, Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Cưng – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Du lịch và Học thuật TSES tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Uống rượu luôn được xem là một phạm trù văn hóa không thể thiếu của người Việt từ trước đến nay. Chúc rượu là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nét văn hóa đó cần được gìn giữ, kế tục một cách dung dị, chừng mực nhất. Muốn vậy, người uống rượu phải luôn đề ra cho mình một nguyên tắc, một giới hạn khi tham gia các cuộc rượu để khi nâng chén rượu lên chúc nhau luôn là một nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống. Chương trình talkshow “Dược liệu ngâm rượu – Văn hoá rượu Việt” đã giúp mọi người hiểu thêm về nguồn dược liệu được dùng ngâm rượu cũng như cách thưởng thức rượu theo đúng nét văn hoá của người Việt.
Hải Âu
Chưa có bình luận nào.