GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG
Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM (HVUH) được thành lập năm 1995, là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở phía Nam nước ta, trường ra đời nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có hoài bão để phát triển và kiến tạo đất nước.
A. Sơ lược quá trình thành lập
Với khát vọng xây dựng một ngôi trường có đặc điểm như các trường đại học ở các nước tiên tiến, lấy sinh viên làm trung tâm, quan tâm đến chất lượng đào tạo; trong nhiều năm qua, nhà trường đã luôn chăm lo dạy dỗ để sinh viên của trường trở thành những công dân có ích. Bên cạnh đó, ngoài những kiến thức chuyên môn, nhà trường cũng luôn nỗ lực trang bị cho các em thêm kiến thức về ngoại ngữ và tin học cũng như những kỹ năng cần thiết, tư duy sáng tạo, cảm xúc, đạo đức nghề nghiệp để các em có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội, đáp ứng các tiêu chuẩn của công dân toàn cầu.
B. Tôn chỉ và phương châm
Tôn chỉ: KHOA HỌC – PHÁT TRIỂN – ĐẠO ĐỨC
Phương châm: Trong hơn 25 năm qua từ ngày thành lập đến nay, Trường Đại học Hùng Vương TP. HCM không ngừng phấn đấu thực hiện phương châm:
– Lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu giáo dục hàng đầu, không chạy theo số lượng.
– Bất vụ lợi cá nhân.
– Lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo của sinh viên.
– Kết hợp song song lý thuyết với thực hành, đáp ứng nhu cầu của quá trình hiện đại hóa – công nghiệp hóa đất nước và sự tiến bộ của thế giới.
– Chương trình đào tạo chú trọng “CƠ BẢN, HIỆN ĐẠI, VIỆT NAM”.
C. Sứ mạng và tầm nhìn
– Sứ mạng: Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao có nghị lực, hoài bão, biết hợp tác và sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về thị trường lao động của thế kỷ XXI.
– Tầm nhìn: Trở thành trường đại học đa ngành, đa hệ, được xếp hạng trong khu vực, chủ động hội nhập giáo dục khu vực và toàn cầu, tạo mọi điều kiện để người học thực hiện quyền được học tập suốt đời trong nền kinh tế tri thức.
D. Ý tưởng đặt tên trường
Các nhà sáng lập đặt tên trường là Hùng Vương với những suy nghĩ như sau:
– Được mang tên Quốc tổ là một vinh dự lớn cho trường. Điều này động viên thầy, trò nhà trường cố gắng dạy thật tốt, học thật tốt, cống hiến thật nhiều cho đất nước.
– Được mang tên Quốc tổ, giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên nhà trường sẽ luôn ghi nhớ, học tập, phát huy những truyền thống tốt đẹp của thời đại Hùng Vương, của văn hóa Văn Lang. Đó là:
+ Truyền thống đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên của đất nước: sự liên minh hòa bình giữa 15 bộ lạc để thành lập nước Văn Lang do Vua Hùng lãnh đạo.
+ Truyền thống coi mọi người dân đất Việt là cùng một mẹ (Âu Cơ) sinh ra, cùng trong một bọc (đồng bào) trăm trứng, do đó phải yêu thương giúp đỡ nhau với tình máu mủ, ruột thịt.
+ Truyền thống đoàn kết trong lao động, đấu tranh chống thiên tai, lũ lụt, cùng nhau đắp đê bảo vệ sản xuất để cuộc sống no ấm, yên vui (chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh).
+ Truyền thống vượt khó, lớn mạnh vượt bậc để tiến bộ, đánh thắng giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc (chuyện Thánh Gióng).
+ Những truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Văn Lang – nền văn hóa đặt nền móng cho bản sắc dân tộc, vẫn còn những giá trị được bảo lưu cho đến đời nay (sự tích Trầu – Cau, bánh chưng – bánh dày, v.v…).
Ngoài việc đặt tên trường là Hùng Vương, các nhà sáng lập đã xây tượng vua Hùng tại cơ sở chính 736 Nguyễn Trãi, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh và hằng năm lấy ngày 9 tháng 3 âm lịch – ngày Tiên thường Giỗ Quốc tổ Hùng Vương làm ngày truyền thống của trường.
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ đại đoàn 308, ngày 19/9/1954 (tại Đền Giếng) được tập thể CBNV-GV và HSSV toàn trường luôn tâm niệm, như lời nhắn nhủ các thế hệ tương lai về cội nguồn và các giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
E. Các ngành nghề đào tạo
Bậc Đại học (Cử nhân):
1) Công nghệ Thông tin
2) Quản trị Kinh doanh
3) Tài chính Ngân hàng
4) Kế toán
5) Marketing
6) Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành
7) Quản lý Bệnh viện
8) Luật
9) Công nghệ Sau thu hoạch
10) Công nghệ Kỹ thuật xây dựng
11) Ngôn ngữ Anh
12) Ngôn ngữ Nhật
13) Ngôn ngữ Trung Quốc
Bậc Sau Đại học (Thạc sĩ):
Quản trị Kinh doanh
F. Đội ngũ Ban Giảng huấn
Lãnh đạo trường xác định, đội ngũ ban giảng huấn là chủ thể, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, dịch vụ và sự phát triển của nhà trường. Chính vì thế trong công tác tuyển chọn giảng viên, tiêu chí chuyên môn, tâm huyết với nghề và sáng tạo trong giảng dạy được đặt lên hàng đầu. Đội ngũ giảng viên tại trường có thể xem là “lực lượng sản xuất đặc biệt tạo ra sản phẩm rất đặc biệt là nguồn nhân lực”, một sản phẩm rất khác biệt nên đòi hỏi công tác giáo dục – đào tạo phải luôn được chú trọng.
Danh sách Ban Giảng huấn của nhà trường có thể kể đến các giảng viên hàng đầu như:
– NGND.PGS.TS Đỗ Văn Xê: Hiệu trưởng; lãnh đạo công nghệ thông tin tiêu biểu của Đông Nam Á (CIO Asean Awards); nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.
– GS.TS Nguyễn Quang Toản: nguyên Ủy viên BCH Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; nguyên Chủ tịch CLB ISO Việt Nam; nguyên PCT Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM…
– GS. Lương Ngọc Toản: nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
– PGS.TS Tạ Văn Thành: Tiến sĩ triết học, nhà mỹ học.
– GVC.TS. Tạ Thị Kiều An: nguyên Hiệu trưởng nhà trường.
– TS. Nguyễn Kim Quang: nguyên Phó Hiệu trưởng – Trường Đại học Khoa học – Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM.
Tin Trường Đại học Hùng Vương TpHCM
Chưa có bình luận nào.