Trong khi các trường tốp đầu nhanh chóng hoàn thành việc tuyển sinh với điểm số cao ngất thì ngày 11-10, nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục thông báo tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu.
Hàng ngàn chỉ tiêu ở các trường công lập
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội thông báo tuyển bổ sung ở 12 ngành học với hàng trăm chỉ tiêu. Tất cả các ngành có điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 16, ngoại trừ ngành quản lý xây dựng (chuyên ngành kinh tế và quản lý đô thị) có điểm nhận hồ sơ từ 20 trở lên.
Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội xét tuyển bổ sung các ngành: Quản trị trường học, Quản trị công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục với chỉ tiêu mỗi ngành là 20. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 trở lên. Một thành viên khác của ĐHQG Hà Nội là Khoa Quốc tế cũng xét tuyển bổ sung 25 chỉ tiêu ngành Quản lý. Thí sinh theo học ngành này sẽ nhận 2 bằng cử nhân của ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Keuka (Mỹ).
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành việc tuyển sinh ngay trong ngày 10-10 (Ảnh: Yến Anh)
Trong khi đó, Trường ĐH Lao động – Xã hội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo của trường, điểm nhận hồ sơ chỉ từ 15 trở lên. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ nay đến 17 giờ ngày 16-10, trường sẽ công bố trúng tuyển vào ngày 17-10. Một trường công lập khác là Trường ĐH Điện lực cũng tuyển bổ sung 240 chỉ tiêu cho 8 ngành học theo cả 2 phương thức là xét tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT là 15, trong khi điểm xét tuyển học bạ là 18.
Trường ĐH Luật Hà Nội tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy ngành luật tại Phân hiệu Đắk Lắk. Thí sinh có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp thuộc tổ hợp xét tuyển A00, A01 đạt từ 15,5 điểm; tổ hợp C00 từ 16,75 điểm; tổ hợp D01, D02, D03 từ 16,5 điểm có thể nộp đơn đăng ký dự tuyển. Thời hạn nhận đơn bổ sung từ ngày 15-10 đến 17 giờ ngày 17-10. Thời gian công bố kết quả dự kiến vào ngày 22-10.
Vẫn còn cơ hội vào khối y dược
Tại TP.HCM, số lượng trường ĐH phải tuyển bổ sung không nhiều. Phần lớn trường công lập đã tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ số ít trường phải tuyển bổ sung. Khối các trường ngoài công lập, nhiều trường đã tuyển đủ nhưng có trường vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới đây đã thông báo xét tuyển bổ sung theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Thông tin từ trường cho biết đợt xét tuyển bổ sung này, trường còn 756 chỉ tiêu cho 14 ngành với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 14. Một đại diện của trường cho biết số lượng đăng ký xét tuyển không nhiều, điểm thi của thí sinh lại không cao nên điểm chuẩn phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ 14, nếu tăng cường số thí sinh trúng tuyển thì điểm chuẩn sẽ phải thấp hơn.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có kế hoạch tuyển bổ sung khoảng 100 chỉ tiêu cho ngành sư phạm lịch sử và địa lý, ngành Sư phạm tiếng Nga và ngành Ngôn ngữ Nga. Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sư phạm lịch sử và địa lý là ngành mới mở; còn ngành tiếng Nga lâu nay vốn khó tuyển, ở đợt xét bổ sung này, trường hy vọng những thí sinh không trúng tuyển ngành tiếng Anh sẽ đăng ký vào ngành tiếng Nga.
Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM ngày 6-10 công bố xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào 16 ngành chương trình do trường cấp bằng và 10 ngành chương trình liên kết với ĐH nước ngoài. Theo thông báo của trường, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho các chương trình đào tạo do trường cấp bằng thấp nhất là 18, cao nhất là 22,5 điểm, tùy ngành; với chương trình liên kết quốc tế, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng thông báo tuyển bổ sung cho 8 ngành của chương trình tiêu chuẩn, 5 ngành thuộc chương trình chất lượng cao, 8 ngành chương trình ĐH bằng tiếng Anh. Trường cũng tuyển bổ sung cho Phân hiệu tại Nha Trang (Khánh Hòa) và Bảo Lộc (Lâm Đồng) và chương trình du học luân chuyển campus (liên kết quốc tế).
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn trên 2.000 chỉ tiêu xét tuyển vào 44 ngành theo 2 phương thức là xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT (theo tổ hợp môn). Mức điểm nhận hồ sơ vào các ngành chủ yếu từ 15, một số ngành khối sức khỏe có mức điểm xét tuyển cao hơn như Y khoa 24 điểm, Dược học 21 điểm, các ngành có cùng mức điểm xét tuyển là 19 gồm: Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng tiếp tục xét tuyển bổ sung cho 38 ngành đào tạo với mức điểm là 19 cho các ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng; 21 điểm đối với ngành Dược học và 22 điểm cho 2 ngành Y khoa và Răng – Hàm – Mặt; các ngành còn lại xét tuyển từ 15 điểm. Trường còn xét tuyển bằng học bạ.
Ngành kém hấp dẫn khó tuyển sinh
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, cho rằng xu hướng của thí sinh vẫn là đăng ký vào những ngành các em cho là dễ tìm việc làm, một số ngành lâu nay kém hấp dẫn vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển sinh vì số đăng ký ít hơn chỉ tiêu. Cũng theo ông Hạ, những trường, ngành phải tuyển bổ sung thường rơi vào tình trạng số lượng nguyện vọng, đặc biệt là nguyện vọng 1, không nhiều nên không có nguồn tuyển. Nếu còn nguồn thì thà hạ điểm chuẩn thấp còn hơn là phải tuyển bổ sung.
Chưa có bình luận nào.